Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

TRANG TRẠI, VƯỜN SINH THÁI TPHCM


Mô hình trang trại, danh chính ngôn thuận được thừa nhận là một bộ phận của nền kinh tế trong Nghị quyết Trung ương 03 của Chính phủ năm 2000. Gần 10 năm qua, mô hình trang trại đã phát triển như thế nào? Mới đây, trong buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại VN tại TPHCM, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhận định, dù chưa thể bằng lòng nhưng phải công nhận rằng trang trại đã ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông thôn.
• Diện tích nhỏ, thu nhập cao
Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn TP (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN-PTNT), TPHCM hiện có 2.294 trang trại (TT) với 6.370 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 6.700 lao động. Phần lớn tập trung ở các huyện và quận ven, trong đó huyện Cần Giờ chiếm hơn 2/3 với 1.585 TT, huyện Củ Chi 271, Hóc Môn 223, Thủ Đức 116, quận 9 có 75, còn lại ở Nhà Bè (17), Bình Chánh (4), quận 12 (3).
Xét về mặt cơ cấu sản xuất, TT nuôi trồng thủy sản chiếm số lượng nhiều nhất với 1.460 (chủ yếu ở Cần Giờ, Nhà Bè), TT chăn nuôi có 584, TT trồng trọt có 158… Ngoài ra còn có 11 TT làm dịch vụ.
Khác với các tỉnh, hầu hết TT tại TPHCM có diện tích không lớn, bình quân chỉ khoảng 2,7 ha (cả nước: 5,7ha/trang trại), và giữa các địa phương cũng có sự chênh lệch khá lớn. Nếu Cần Giờ và Củ Chi là 2 huyện có diện tích TT lớn nhất, có TT lên đến 27 ha, thì ở quận 12 và Thủ Đức chỉ trung bình có 0,4 ha/trang trại. Số TT có diện tích dưới 1 ha chiếm nhiều nhất (2.150 trang trại), từ 1-3 ha là 128 TT, từ 3 ha-10 ha có 16 TT và chỉ 1 TT trên 10 ha.
Tuy diện tích nhỏ nhưng do được đầu tư, thâm canh nên đa phần TT ở TPHCM đã tạo ra giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích khá cao. Tỷ suất lợi nhuận trong năm (thu nhập/vốn) là 61%, trong đó vốn đầu tư và thâm canh cao là các TT nuôi cá cảnh, nhưng cao nhất là trồng lan cắt cành; thu nhập 2 đối tượng này cũng vào hàng cao nhất, lên đến vài trăm triệu đồng/ha/năm.
Lợi nhuận trên 100 triệu đồng/trang trại/năm chiếm 28,8%, từ 51 triệu – 100 triệu đồng chiếm 52% và dưới 51 triệu đồng chiếm 39,2%. Đa phần TT TP phát triển mạnh vào giai đoạn trước và sau khi có Nghị quyết về kinh tế trang trại, chiếm 64% số TT hiện có.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM (PTNT TP), 94% chủ TT tại TPHCM vốn là nông dân sản xuất giỏi, gắn bó lâu đời với sản xuất nông nghiệp, từng bước tích tụ ruộng đất. Thời gian sau, lực lượng này được bổ sung thêm những người không xuất thân từ nông nghiệp, chủ yếu từ nội thành ra ngoại thành hoặc quận ven đầu tư TT.
Cũng theo ông, các chủ TT chính là những người đại diện xứng đáng cho lớp người làm nông nghiệp có trình độ cao, chịu học hỏi, có ý chí vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật và quan trọng là có tiềm lực vốn, mạnh dạn trong cách sử dụng đồng vốn, chấp nhận rủi ro. Họ phản ứng nhanh nhạy với nhu cầu thị trường; chủ động thiết lập các quan hệ bạn hàng, rộng rãi và bền vững; thực hiện tốt mối liên kết với thương lái trong và ngoài địa phương. Chính họ là nhân tố thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa các chủ TT, đoàn thể, chính quyền và các cơ quan nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật như khuyến nông, viện, trường…
• Điểm sáng trong phát triển nông thôn
Kinh tế TT là hướng huy động vốn đầu tư hiệu quả. Theo Chi cục PTNT TP, chỉ tính số TT được khảo sát, ước tính vốn đầu tư đã gần 600 tỷ đồng. Đây là nguồn bổ sung vốn hết sức quan trọng được huy động trong dân, khi lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn chỉ thu hút được 3,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), và mới có khoảng 50% trong số đó được giải ngân.
Các TT đã tạo thêm việc làm và thu nhập đáng kể lực lượng lao động nông thôn tại chỗ và các tỉnh. Việc trả công lao động theo nhiều hình thức, chủ yếu là các hình thức khoán sản phẩm đã kích thích mạnh mẽ sự ra đời thị trường lao động nông thôn. Xét về hiệu quả kinh tế và xã hội, chính sự chuyển nhượng đất, sự tích tụ ruộng đất là cơ hội tốt trong việc hiện đại hóa và cơ giới hóa nông nghiệp, tạo ra lượng hàng hóa lớn, điều mà trước đó TP không làm được do đất đai bị manh mún.

Dù chưa có con số cụ thể về mức đóng góp của kinh tế TT vào tăng trưởng nông nghiệp TP nhưng theo nhận định chung, các TT chính là mô hình đầu tàu trong việc TPHCM thực hiện chuyển đổi sang nền nông nghiệp đô thị, là nhân tố đột phá chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Bộ NN-PTNT xác nhận, các chủ TT của TPHCM, cụ thể là các thành viên của Câu lạc bộ TT TP đã có những đóng góp cụ thể trong quá trình hình thành các chính sách, nhất là trong nghị quyết của Chính phủ về kinh tế trang trại.
Đồng chí Trương Tấn Sang đã từng nhấn mạnh, TT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông thôn, nhưng những kết quả đạt được cho thấy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, thổ nhưỡng vẫn chưa được khai thác hết. Hiệp hội DN - TTVN vẫn chưa phát huy tối đa vai trò. Vì vậy, thời gian tới Bộ NN-PTNT cần sơ kết, đánh giá một cách toàn diện về hoạt động của TT. Vấn đề này cần đi sâu, tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm, kể cả việc hợp tác với hiệp hội các nước để chia sẻ thông tin, nâng cao trình độ, kiến thức và vai trò của hiệp hội hơn nữa.
Trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp TPHCM, trang trại (TT) nuôi trồng thủy sản là loại hình TT có mức đầu tư cao và hiệu quả lớn, thu nhập có thể lên đến vài trăm triệu đồng/ha/năm. Sự xuất hiện của những TT này đã tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ của vùng đất Cần Giờ và Nhà Bè. Nhưng hiện nay, TT trồng lan, cây kiểng và cá cảnh lại nổi lên với mức thu nhập cao nhất và phù hợp với nền nông nghiệp đô thị.
Trang trại hạt nhân

Một số TT tại TP được tổ chức theo kiểu xí nghiệp như TT nuôi và thuộc da cá sấu xuất khẩu của ông Trần Văn Nga (Sáu Nga) ở huyện Củ Chi, với tên gọi Công ty TNHH Tồn Phát. Có thể xem đây là một điển hình của mô hình TT hạt nhân - vệ tinh.
TT hiện có khoảng 20.000 con cá sấu, nhưng các vệ tinh là những hộ nhận nuôi gia công của công ty lên đến 30.000 con.
Điểm khác biệt của ông chủ TT này là không chịu dừng lại ở việc nuôi và bán cá sấu nguyên con để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông đã đi nhiều nước và nhận thấy, những sản phẩm da cá sấu trên thị trường châu Âu rất đắt, giá một bộ da sau khi thuộc đúng kỹ thuật cao gấp mấy lần so với bán nguyên con.
Rồi ông tự hỏi: TPHCM có đàn cá sấu trên 165.000 con, cả vùng ĐBSCL không dưới 150.000 con, vì sao phải trông cậy vào thị trường Trung Quốc vốn dĩ giá cả luôn bị trồi sụt thất thường? Do vậy, năm 2006 ông quyết định vay vốn ngân hàng để xây dựng nhà máy thuộc da hiện đại nhất nước, rồi thuê chuyên gia Ý dạy nghề, sau đó xuất khẩu sang châu Âu, trước hết là thị trường Ý.
Sài Gòn cá cảnh (Saigon Aquarium) là một điển hình khác về mô hình TT hạt nhân. Với hơn 8 ha, TT tọa lạc bên bờ kênh Đông huyện Củ Chi, chuyên nuôi cá cảnh để xuất khẩu, chủ yếu là xuất sang châu Âu, Mỹ...
Ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc Sài Gòn Aquarium cho biết, TT có khoảng 50 loại cá với trên 200 loại sản phẩm. Năm 2008, TT xuất khẩu trên 1 triệu USD. Để đảm bảo đủ lượng cá cảnh xuất khẩu năm rồi (trên 5 triệu con), TT đã xây dựng một hệ thống vệ tinh lên đến trên 100 hộ nuôi gia công không chỉ ở TPHCM mà còn tại các tỉnh như Long An, Tiền Giang… 3 cơ cở nuôi cá cảnh vừa được Cục Thú y cấp giấy đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh về cá chép Nhật và cá vàng đều là TT cá cảnh hạt nhân.
Tương tự, vườn cây kiểng Minh Tâm (Củ Chi) cũng là mô hình về trang trại hạt nhân với khoảng 7 ha. Chủ TT này không giấu tham vọng xây dựng những vệ tinh này thành một làng nghề cây cảnh tại xã Tân Phú Trung huyện Củ Chi.
Hợp tác xã của những chủ trang trại
2 năm qua, tại TPHCM đã hình thành khá nhiều hợp tác xã (HTX), trong đó nổi bật là HTX Tiên Phong (Củ Chi và Hóc Môn). Có thể nói, đây là HTX của những chủ TT nuôi heo có nguồn vốn khá và am hiểu KHKT. Nhưng họ nhận thấy nếu hoạt động riêng lẻ sẽ khó đứng vững trong bối cảnh thị trường đầy biến động, vì thế tốt nhất là liên kết lại để tạo ra sức mạnh cạnh tranh.
Khi vào HTX, xã viên được hưởng chung những dịch vụ về chăn nuôi như con giống, thú y, thức ăn… với giá rẻ hơn. Vừa qua, nhiều hộ xã viên đã được Cục Thú y thực hiện các biện pháp an toàn dịch bệnh một số bệnh phổ biến trên đàn heo. Tiên Phong hiện là HTX duy nhất tham gia vào việc nuôi heo theo hướng an toàn cùng với Sagrifood (Xí nghiệp Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn, thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn).
Trong lúc không ít HTX nông nghiệp hoạt động cầm chừng thì sự hoạt động hiệu quả, sung sức của HTX Tiên Phong đã cho thấy các “sáng lập viên” của HTX đã đi đúng hướng. Mặt khác, chính những chủ trang trại này đã mở ra hướng củng cố kinh tế tập thể, là mô hình xây dựng các HTX và tổ hợp tác ở TP một cách thuyết phục nhất.
Trong số 46 HTX nông nghiệp ở TP, HTX Tiên Phong là số ít HTX có đủ lực và trình độ để giúp cho HTX có thể phát triển căn cơ và bền vững.
Bình minh của trang trại chim yến?
Đầu thập niên 2000, TT nuôi nuôi trồng thủy sản ở Nhà Bè và nhất là Cần Giờ đóng vai trò quan trọng, tạo ra sức bật mới cho vùng đất hoang vu, nhiễm phèn nặng. Nhiều người dân từ nội thành đã đổ xô ra 2 địa phương này sang nhượng đất để lập TT nuôi tôm sú.
Chẳng bao lâu sau đó, từ vùng đất chỉ có cỏ năng, lau sậy đã hình thành 1.400 TT nuôi tôm, tập trung nhiều ở hai xã An Thới Đông và Lý Nhơn, lan ra Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.
Trong đó, ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông là “khu công nhiệp” với TT công nghiệp nuôi tôm sú, về đêm ánh đèn điện rực sáng cả góc trời. Giờ đây, đa phần TT nuôi tôm sú công nghiệp lụi tàn vì ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh lây lan.
Sinh thời, ngay thời kỳ hưng thịnh nhất của con tôm sú Cần Giờ, bác Vũ Đình Liệu, nguyên Chủ tịch Hội Nuôi tôm VN đã từng phát biểu: Đừng để “kết quả” hôm nay là “hậu quả” cho ngày mai. Rất tiếc lời cảnh báo đó giờ đã thành sự thật.
Nhưng Cần Giờ đang hy vọng vào vật nuôi mới, đầy tiềm năng là chim yến. Vùng rừng ngập mặn vài chục ngàn hécta, hệ thống sông rạch chằng chịt và nguồn thức ăn dồi dào là nơi lý tưởng để chim yến đến trú ngụ. Đã có mô hình thành công.
TP đang thử nghiệm hơn 10 điểm nuôi yến, dự kiến sẽ quy hoạch thành khu rộng trên 250 ha, ngay trên vùng đất nuôi trồng thủy sản trước đây.
Trang trại sinh thái kết hợp du lịch
Một xu hướng khác của TT TP là khai thác thế mạnh những vùng ven sông nước để làm du lịch sinh thái như: vùng cây trái ven sông Sài gòn (Củ Chi, Hóc Môn) - Đồng Nai (quận 9), vùng sông nước huyện Cần giờ - Nhà Bè và vùng sông Chợ Đệm, khu vực Láng Le – Bàu Cò (Bình Chánh)…
Trong đó, đang hình thành 2 cụm TT kết hợp du lịch sinh thái khá “xôm tụ” là khu vực xã Trung An, Bình Mỹ (huyện Củ Chi) và quận 9. Đó là các TT du lịch của ông Hà Văn Thiềm (xã Trung An, huyện Củ Chi), chị Lê Thị Ngờ (Trung An, Củ Chi), chị Cao Thị Lan (quận 9), chị Nguyễn Thị Thanh (Long Thạnh Mỹ, quận 9), ông Trần Công Danh (quận 9), ông Nguyễn Văn Ký (quận 9)…
Hiện có hơn 54 TT và nhà vườn được Ban tổ chức hội thi vườn sinh thái đẹp TP năm 2008 TP công nhận là vườn sinh thái đẹp.
Không chỉ ở TPHCM, người TP còn đến các tỉnh xung quanh làm trang trại (TT). Nếu 94% chủ TT tại TP là những hộ nông dân sản xuất giỏi, thì hầu hết chủ TT người TP tại các tỉnh lại xuất thân từ nhiều ngành nghề khác, thường là những người thành công trong lĩnh vực “tay phải” và đến với TT, ban đầu như là một nghề “tay trái” vì đam mê, vì “phong trào”, bạn bè rủ rê... Theo số liệu của Câu lạc bộ Trang trại TPHCM, có trên 500 hội viên đầu tư vốn vào khoảng 25.000ha đất tại các tỉnh, nhất là vùng Đông Nam bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, kể cả Lâm Đồng…
Thăng trầm
Chính vì sự đa dạng trong thành phần chủ TT tại các tỉnh nên quá trình phát triển của các TT dạng này trải qua những giai đoạn, “trầm” nhiều hơn “thăng”. Tháng 6-1999, CLB Trang trại TP thành lập. Những buổi sinh hoạt lúc đó thu hút rất đông chủ TT vì đây chính là nơi mà các chủ TT có thể “trút bầu tâm sự” về những khó khăn, những “kinh nghiệm” thất bại. Hơn 90% số chủ TT người TP khởi nghiệp bị thất bại 1-2 lần, có người 3-4 lần như ông N.C.Đ. (quận 1), đầu tư đến vài chục tỷ đồng mới thấy hiệu quả ban đầu.
Đây là điều khó tránh khỏi, do kinh nghiệm về nông nghiệp rất ít, cộng với tâm lý xem TT như là nơi để cuối tuần về nghỉ dưỡng của không ít chủ TT. Càng đầu tư vốn vào càng thấy không đủ do chưa định hướng trồng cây gì, nuôi con gì nên thấy ai làm gì là làm theo. Vì vậy, hầu hết TT ít nhất cũng phải đôi ba lần chuyển đổi cây trồng. Những năm 1990 là phong trào chặt cao su, trồng cây ăn trái, nhưng đầu những năm 2000 trở lại đây là chặt cây ăn trái trồng lại cây cao su hay cây rừng và rộ lên phong trào trồng cây dó bầu như là một kiểu “đón gió”.
Vì sự thăng trầm đó, không ít chủ TT đã “bỏ chạy”, chuyển nhượng đất đai, trở lại TP đầu tư vào lĩnh vực khác như anh Trần H. Th. kinh doanh gạo, anh Trần Đ.H. mở văn phòng luật sư… Nhưng cũng có người diện tích TT ngày càng mở rộng ra như anh Mai Quốc Thái, từ 80ha giờ đây khoảng 2.000ha ở Bình Phước.
Theo ông Lê Duy Minh, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại VN, kiêm Chủ tịch CLBTTTP, những người TP bám trụ đến nay có thể nói là gắn bó lâu dài với TT và ít nhiều cũng đã thành công như trường hợp chủ TT Lê Hoàng Tùng (trên 400ha ở Bình Phước), ông Lưu Hồng Triển (trên 60ha ở Đồng Nai)...
Bản thân ông Minh cũng là một chủ TT khá thành công khi ngay từ đầu ông đã định hướng trồng rừng và gắn kết với doanh nghiệp để tiêu thụ. Ông Minh tổng kết, người làm TT trải qua 3 giai đoạn: lúc đầu là sinh kế (chủ yếu đủ trang trải chi phí), kế đến sinh lợi (có sản phẩm hàng hóa và có lời) và sinh thái. Nhiều TT không chỉ trồng hoặc chăn nuôi mà còn khai thác làm du lịch sinh thái mà Khu du lịch Vườn Xoài huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai của chị Nguyễn Thị Nhã, là một điển hình. Đa phần TT hiện nay ở giai đoạn 2 và 3. Tuy nhiên, ông Lê Duy Minh cũng nhận định, TT của người TP ở các tỉnh tuy lớn nhưng sức sản xuất còn hạn chế, nhiều bất cập.
Những thách thức mới
Số liệu khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM cho thấy, số TT tại TP bán sản phẩm qua thương lái chiếm đến 70,4%, bán tại chợ 7,6%, qua doanh nghiệp 11,2% và qua các hợp đồng thu mua trước là 10,8%. Rất ít TT có quan hệ với các công ty thương nghiệp nhà nước. Đối với những người TP đi làm TT các tỉnh, chưa có số liệu cụ thể về con số này nhưng nhiều người cho rằng cũng không khác lắm.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại VN, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, chủ TT là những người giỏi sản xuất và KHKT, nhưng vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp. Ông đặt vấn đề, vì sao nhiều TT vẫn còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, trong khi đây là sản phẩm hàng hóa, số lượng lớn. Một thời gian dài nhà nước tập trung nhiều vào khâu khuyến nông để sản xuất, chưa chú trọng đầu tư vào kênh phân phối sản phẩm.
Trang trại cũng như nông hộ, chỉ biết bán sản phẩm qua thương lái với cách thu mua dễ dàng, không cần chất lượng đồng đều – một kiểu buôn bán tiện ích cho người sản xuất. Nhưng kiểu “mua mão” các sản phẩm của thương lái không khuyến khích TT tạo ra sản phẩm tốt, vì sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao mà bán ngang giá những sản phẩm khác thì không ai chịu làm.
Theo ông Viên, để tạo cho người làm TT thói quen chú trọng đến chất lượng và sản phẩm đồng đều cần có một hệ thống khác thay thế, tỏ ra ưu thế hơn so với cách mua bán đã tồn tại lâu đời. Giải quyết mâu thuẫn này chính là thách thức và cũng là cơ hội của cả TT và nhà chế biến trong việc hợp tác, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Xúc tiến kênh bán hàng tiện ích hơn hệ thống thương lái còn là cách giải bài toán thất thoát sau thu hoạch và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với tư cách là Tổng Giám đốc Vinamit, ông Viên cho biết, các nhà máy của công ty cần có vùng nguyên liệu rất lớn, nhưng sự gắn kết TT với nhà máy chưa nhiều. Đó là cái thiếu cần khắc phục. Không thể tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu hoặc nguyên liệu không đồng đều, trong khi các TT lại gặp khó khăn khi bán hàng hoặc bị ép giá. Ông Lê Duy Minh cho rằng, để phát triển, TT phải liên kết, hợp tác với tất cả các hình thức phù hợp, để giải quyết các vấn đề về quy mô, chuyển đổi.
Theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có khoảng 150.000 trang trại, với gần 1 triệu ha đất. 49% là trang trại sản xuất và kinh doanh tổng hợp, 29% chăn nuôi hoặc thủy sản, hơn 20% trang trại lâm nghiệp. Về mặt địa lý, 5% trang trại ở miền Trung và Tây Nguyên, 15% trang trại ở phía Bắc và 80% trang trại là ở phía Nam. Trong đó, vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 30% diện tích cả nước, riêng người TPHCM làm trang trại ở các tỉnh chiếm hơn 10% diện tích (bình quân 30ha - 40ha/trang trại).

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Mời góp ý cho

TIÊU CHÍ CÔNG NHẬN TRANG TRẠI SXKD GIỎI HÀNG NĂM
TRÊN ĐỊA BÀN TP HỒ CHÍ MINH
(ÁP DỤNG TỪ NĂM 2009)

I/- Tiêu chí chung:

1/- Trang trại chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Nhà nước và Thành phố có liên quan (kể cả nghĩa vụ thuế và các đóng góp theo quy định).
2/- Trang trại SXKD không gây ô nhiễm môi trường (theo quy định của môi trường).
3/- Sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
4/- Có cố gắng đổi mới công nghệ, giống , áp dụng KHKT.
5/- Có tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
6/- Được CLB trang trại hoặc Hội Nông Dân ; Chi hội Làm Vườn Phường Xã, Xóm Ấp đề xuất đạt Trang trại SXKD giỏi trong năm.

II/- Tiêu chí cụ thể:

TIÊU CHÍ
NỘI DUNG CẤP TP CẤP CƠ SỞ HỘI
Về kinh tế:
1/- Lợi nhuận bình quân /năm:
a/- 1 ha với hoa kiểng, thủy sản:……….≥ 130 triệu _____≥ 90 triệu
b/- 1ha với CAT,cây nguyên liệu , cây làm thức ăn chăn nuôi:≥ 80 triệu…… ≥ 60 triệu
c/- 1ha với trang trại tổng hợp(VAC), rau an toàn: ≥ 120 triệu __≥ 80 triệu
d/- 1ha với trang trại trồng rừng kinh tế: ≥ 25 triêụ___≥ 20 triệu
2/- Trang trại chăn nuôi (tổng lợi nhuận):≥ 250 triệu___ ≥ 150 triệu

3/- Số năm liên tục đạt lợi nhuận…….≥ 2 năm____≥ 2 năm

4/- Thu nhập bình quân/lao động/tháng: ≥ 2,2 triệu_____ ≥ 2 triệu

Trách nhiệm với cộng đồng:
-a/-Giúp đào tạo nghề hoặc truyền đạt kinh nghiệm cho nông dân hàng năm: ≥ 20 người......≥ 10 người
-b/-Tạo công việc làm thường xuyên/năm…≥ 5 người...≥ 4 người

c/- Giúp hộ nghèo (vốn, KHKT, chỉ bảo kèm cặp cách SX, giống, công việc làm…) để họ thoát nghèo ……………….≥ 10 hộ....≥ 5 hộ
Xin các bạn góp ý nhấn vào chữ nhận xét bến dưới để nhập text vào. Xin trân trọng và cám ơn

Mời các bạn góp ý cho Tiêu ChíM

TIÊU CHÍ
CÔNG NHẬN HỘI VIÊN LÀM VƯỜN TIÊU BIỂU HÀNG NĂM
(ÁP DỤNG NĂM 2009)


I/-Hội viên Làm vườn xuất sắc cấp Thành Phố: Đạt 5 tiêu chuẩn gồm:

1/- Đạt danh hiệu Nông dân SXKD giỏi cấp Thành Phố trở lên. Trường hợp Hội viên không là nông dân thì phải đạt 1 trong 4 nội dung sau:
- Có đóng góp cụ thể về KHKT, giống mới, đào tạo, truyền bá kinh nghiệm phát triển SX cho bà con nông dân, trang trại trên địa bàn TP.
- Ủng hộ quỹ Hội từ 20 triệu đồng trở lên /năm.
- Hỗ trợ xây dựng VAC tình nghĩa, tình thương cho ít nhất 02 hộ (giá trị từ 5 triệu đồng trở lên/hộ).
- Có thành tích khá trong hoạt động Hội.

2/- Nhiệt tình tham gia công tác Hội, có đóng góp ý kiến hoặc vật chất xây dựng Hội, sinh hoạt Chi hội CLBKN-VAC ít nhất trên 60% số lần Chi hội tổ chức sinh hoạt.

3/- SXKD đạt an toàn vệ sinh thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường.

4/- Có tinh thần đoàn kết hỗ trợ nhau trong cộng đồng.

5/- Được Chi hội, CLBKN-VAC cơ sở bình chọn và Quận Huyện hội thông qua.

II/-Hội viên Làm vườn xuất sắc cấp Quận Huyện: Đạt 5 tiêu chuẩn gồm:

1/- Đạt danh hiệu Nông dân SXKD Giỏi cấp Quận Huyện trở lên. Trường hợp Hội viên không là nông dân thì phải đạt 1 trong 4 nội dung sau:
- Có đóng góp cụ thể về KHKT, giống mới, đào tạo, truyền bá kinh nghiệm phát triển SX cho bà con nông dân, trang trại trên địa bàn TP.
- Ủng hộ quỹ Hội từ 10 triệu đồng trở lên /năm.
- Hỗ trợ xây dựng VAC tình nghĩa, tình thương cho ít nhất 01 hộ (giá trị từ 5 triệu đồng trở lên/hộ).
- Có thành tích khá trong hoạt động Hội.

2/- Nhiệt tình tham gia công tác Hội, có đóng góp ý kiến hoặc vật chất xây dựng Hội, sinh hoạt Chi hội CLBKN-VAC ít nhất trên 50% số lần Chi hội tổ chức sinh hoạt.

3/- SXKD đạt an toàn vệ sinh thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường.

4/- Có tinh thần đoàn kết hỗ trợ nhau trong cộng đồng.

5/- Được Chi hội, CLBKN-VAC cơ sở bình chọn.

TM THƯỜNG TRỰC THÀNH HỘI
CHỦ TỊCH